Chức năng Cổng làng

Ngôi làng truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20trung châu sông Hồng thường tập trung gọn vào một phạm vi không gian bao bọc bởi lũy tre. Làng thường có một lối vào chính, gọi là cổng trước hay cổng tiền; và một lối nhỏ hơn gọi là cổng sau. Việc xuất nhập bị hạn chế qua hai lối này. Lối đi từ cổng trước đến cổng sau là con đường chính trong làng.

Cổng là ranh giới ước lệ, biểu hiện quyền uy của làng xã.[1] Có làng còn dựng cả bia với hai chữ Nho 下馬 hạ mã ở bên cổng để nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những người quyền quý cũng phải xuống ngựa để tỏ ý tôn trọng lệ làng.

Thời loạn lạc cổng làng được đóng kín, nhất là ban đêm lại có thêm tuần phu canh gác.

Cổng trước, cổng sau

Trong khi cổng trước mang nhiệm vụ nghênh tiếp, cổng sau hàm ý tiễn đưa. Ví dụ như người chết thì sẽ được đưa ra tha ma bằng cổng sau. Người bị làng phạt vạ cũng phải đi cổng sau.

  1. Cổng tiền: tức cổng trước thường trổ về hướng Đông Nam, hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc. Cổng tiền là Cổng chính, cổng trước của làng, thường dành cho người sống; Cổng tiền là nơi đón người đi làm đồng về, đón khách lạ, đón quan kinh lý, đón người đăng khoa đỗ đạt, đón kẻ tha hương cầu thực trở về bản quán và quan trọng nhất là đón dâu mới nhập làng. Nghĩa là đón nhận những gì tốt đẹp nhất - Đón sự sống, đón phúc lộc vào ngôi làng.
  2. Cổng hậu: tức cổng sau thường trổ ra hướng Tây, hướng mặt trời lặn. Cổng hậu là cổng phụ, cổng sau của làng, thường dành cho người chết; Cổng hậu dành để tiễn người chết ra nghĩa trang, tống khứ kẻ xấu ra khỏi làng. Kẻ nào bị làng phạt vạ đuổi khỏi làng bao giờ cũng phải đi ra bằng cổng hậu. Nghĩa là cái cổng hậu có chức năng tống tiễn những gì không xứng đáng được tồn tại trong làng - Ma quỷ, trộm cắp, bất lương... ra khỏi cõi sống, xua đuổi chúng vào cõi chết.